Beautiful Plants For Your Interior
Khác với ổi xá xị, ổi Đài Loan,… ổi trân châu ruột đỏ được nhiều người ưa chuộng vì có sự kết hợp hoàn hảo giữa độ giòn cùng vị vừa chua ngọt đậm đà và mùi thơm nhẹ. Bên cạnh đó ổi có màu đỏ hồng vô cùng hấp dẫn và đặc biệt.
Vậy, giống ổi này có dễ trồng không và trồng như thế nào? Hãy cùng Vinhfarm giải đáp cách trồng và chăm sóc ổi trân châu ruột đỏ đúng kỹ thuật và những vấn đề liên quan trong bài biết dưới đây.
1. Đặc điểm cây ổi ruột đỏ trân châu
Ổi trân châu ruột đỏ hay còn gọi là ổi ruột đỏ, có tên khoa học là Psidium Guajava. Giống ổi này có nguồn gốc từ Đài Loan và có những đặc điểm như sau:
Đặc điểm hình thái:
- Thân cây có màu nâu sáng, cây có da nhẵn mịm và cao khoảng 80cm đến 2,5m.
- Tán cây rộng khoảng 1,5 đến 2m, lá của cây khá giống với lá ổi thông thường.
- Hoa ổi to và khi nở có màu trắng, mỗi hoa thường đậu được 1 trái.
- Quả ổi có vỏ màu xanh, ruột đặc, có màu đỏ hồng và ít hạt. Quả ổi không quá lớn, khoảng 150gram đến 250gram/quả. Khi ăn ổi giòn, có hương thơm nhẹ và vị chua ngọt đặc trưng.
Đặc điểm sinh lý:
- Cây dễ trồng, ít sâu bệnh gây hại.
- Có tốc độ sinh trưởng nhanh và cho năng suất cao.
- Chỉ trồng khoảng 8 tháng đến 1 năm là đã có thể thu hoạch.
2. Tiêu chuẩn chọn giống ổi ruột đỏ trân châu
Cây ổi trân châu ruột đỏ được nhân giống chủ yếu bằng phương pháp ghép cành. Để tăng khả năng thích ứng và thu được sản lượng cao, bạn cần ưu tiên lựa chọn những cây giống có tiêu chuẩn như sau:
- Chọn cây giống to khỏe và phải cao từ 50cm trở lên.
- Cây phải khỏe mạnh, không bị sâu bệnh hại.
- Mắt liền và đã đâm mầm hoặc có lá mới.
- Chọn cây giống có nhiều cành trồng sẽ nhanh phát triển hơn.
Giá giống cây ổi ruột đỏ bao nhiêu?
Giá của giống cây ổi trân châu ruột đỏ hiện nay giao động từ 20.000 – 30.000 đồng/ 1 cây.
3. Kỹ thuật trồng cây ổi ruột đỏ trân châu
Cách trồng và chăm sóc ổi trân châu ruột đỏ không quá khó ở khí hậu nước ta. Tuy nhiên, nếu muốn cây phát triển tốt và đạt năng suất cao bạn cần thực hiện các bước đúng kỹ thuật:
3.1 Thời vụ trồng ổi ruột đỏ
Nếu như ở miền bắc, thông thường thời điểm tốt nhất để trồng cây ổi ruột đỏ là từ tháng 2 – 4 hằng năm. Vì lúc này điều kiện ký hậu mát mẻ sẽ thuận lợi giúp cho cây phát triển và sinh trưởng mạnh mẽ.
Với khu vực miền nam, có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất nên trồng vào đầu mùa mưa (khoảng tháng 4), thời điểm này sẽ tận dụng lượng nước mưa giúp cây phát triển nhanh chóng vừa đỡ được công chăm sóc.
3.2 Đất trồng
Ổi ruột đỏ là giống cây trồng không quá kén đất, nhưng để cây phát triển tốt và quả đạt năng suất cao thì bạn nên ưu tiên đất thịt. Bên cạnh đó, đất trồng phải thoát nước tốt, tơi xốp cao và có độ pH khoảng 6 là phù hợp nhất.
3.3 Làm đất và chuẩn bị hố trồng
- Đối với vùng đất cao, thoát nước tốt:
Để trồng ổi trân châu nhanh phát triển bạn nên chuẩn bị hố trước khi trồng cây khoảng 1 tháng. Hố trồng phải có kích thước tối thiểu là 50x50x50cm và mỗi hố phải cách nhau từ 2,5m trở lên.
Mỗi hố bạn nên bón lót 5kg phân chuồng hoai mục, 1kg phân NPK và 1kg vôi bột. Vôi có khả năng khử trùng cao nên sẽ giúp diệt hết mầm bệnh có hại trong đất trước khi trồng cây vào hố. Từ đó cây trồng sẽ hạn chế được các tác nhân gây sâu bệnh.
- Đối với vùng đất trũng thấp thoát nước kém:
Trước khi trồng cần đắp mô cao từ 50cm trở lên sẽ hạn chế được ngập úng vào mùa mưa. Đồng thời đào rãnh thoát nước xung quanh.
Khi trồng chỉ cần đào hố vừa bầu cây giống giữa mô và bón lót một ít phân dơi hay phân hữu cơ thì cây vẫn phát triển tốt (có thể bón bổ sung vào giai đoạn sau).
3.4 Kỹ thuật trồng cây
Sau khi đã chuẩn bị hố trồng, bạn tiến hành trồng cây con giống. Bạn đặt cây vào hố trồng và lấp đất kín phần gốc cây. Tiếp đến, bạn nén chặt đất và tưới nước để cây nhanh bén rễ.
4. Cách chăm sóc ổi ruột đỏ ổi ruột đỏ trân châu
Cách trồng cây ổi trân châu ruột đỏ đúng kỹ thuật rất quan trọng, nhưng cách chăm sóc cũng quan trọng không kém. Nếu việc chăm sóc không đảm bảo có thể ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng và năng suất thu hoạch. Bạn hãy bỏ túi cách chăm sóc dưới đây:
4.1 Tưới nước cho cây
Ổi trân châu ruột đỏ là loại cây ưa nước, vì thế bạn nên cung cấp lượng nước đầy đủ mỗi ngày để cây nhanh phát triển. Thời điểm tưới cây tốt nhất trong ngày là vào lúc sáng sớm và chiều tối. Bạn không nên tưới cây vào buổi trưa nắng nóng vì sẽ làm cây bị sốc nhiệt, ảnh hưởng đến quá trình phát triển.
4.2 Bón phân cho cây
Sau lần bón lót đầu tiên bạn cũng nên bổ sung thêm phân bón để cung cấp dưỡng chất giúp cây sinh trưởng. Đặc biệt là thời kỳ cây ra tán, ra hoa và tạo quả.
Năm đầu:
- Đây là giai đoạn kiến thiết quan trọng chuẩn bị cho cây ra quả, bạn nên bón phân NPK 30-10-10 định kỳ khoảng 2-3 tuần 1 lần, mỗi lần từ 20- 30 gram/cây. Ngoài ra nên bổ sung phân DAP sẽ giúp cây cứng cáp và cành to khỏe hơn.
- Kết hợp các sản phẩm phân bón hữu cơ và sản phẩm kích thích bộ rễ phát triển sẽ giúp cây khỏe mạnh, nhanh lớn và hạn chế bệnh hại.
Năm thứ hai:
- Năm thứ hai là giai đoạn cây bắt đầu cho trái số lượng nhiều bạn cũng bón phân NPK theo tỷ lệ như năm đầu nhưng tăng số lượng lên 10-20 gram cho mỗi cây.
- Đồng thời trong giai đoạn cây nuôi trái nên bón thay thế bằng phân NPK 17-17-17 tỷ lệ như trên kết hợp phân bón trung vi lượng qua lá sẽ giúp trái to đẹp và giòn ngọt hơn.
Các năm kế tiếp:
Tùy thuộc vào tình trạng phát triển của cây bạn có thể bón phân tăng thêm khoảng 15%.
Lưu ý luôn bón phân xung quanh tán lá tránh bón sát vào gốc để bộ rễ cây có thể phát triển và hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất.
4.3 Cách cắt tỉa và tạo tán cho ổi ruột đỏ
Để quả đạt chất lượng đồng đều và lúc thu hoạch dễ dàng thì việc cắt tỉa và tạo tán cây cũng vô cùng cần thiết. Việc này sẽ giúp cây được tỏa tán đều, cành nhiều hơn thì năng suất quả cũng sẽ tăng lên.
Khoảng từ tháng thứ 4 trở đi, cây ổi lúc này đã cao khoảng 1m. Đây là lúc thích hợp cho việc cắt tỉa cành ngọn để tạo cành cấp 1. Sau đó, cành được cắt tỉa sẽ tạo ra 2 nhánh mới, bạn cũng thực hiện cắt tỉa để tạo cành cấp 2, cấp 3.
Đồng thời, bạn cũng nên cắt tỉa những cành già yếu, sâu bệnh, còi cọc để tránh lây lan và giúp cây tập trung nuôi dưỡng những cành khỏe mạnh.
Ổi trân châu ruột đỏ ra hoa và đậu quả rất nhiều nên cần cắt tỉa bớt quả chỉ chừa lại những quả to khỏe, không sâu bệnh. Khi quả có đường kính từ 2-3 cm nên sử dụng bọc xốp chuyên dùng cho ổi giúp hạn chế sâu hại tấn công, đảm bảo cho trái ổi khi thu hoạch đạt tiêu chuẩn tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng.
4.4 Phòng trừ sâu bệnh cho cây ổi
Tuy ổi ruột đỏ là giống cây ít bị sâu bệnh nhưng cũng có thể mắc các bệnh thường gặp như sâu cuốn lá, sâu đục quả hay sâu vẽ bùa.
Trường hợp côn trùng xuất hiện ít bạn có thể bắt bằng tay, nhưng trong trường hợp nhiều bạn nên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Tốt nhất bạn nên thường xuyên theo dõi cây trồng để phát hiện và xử lý mầm bệnh kịp thời.
5. Thu hoạch ổi ruột đỏ
Ổi ruột đỏ là giống cây nhanh cho thu hoạch chỉ sau khoảng 8 tháng trồng. Ổi khi chín có vỏ màu xanh vàng, kích thước to đều. Bạn thu hoạch quả theo từng đợt một bằng cách dùng kéo cắt cuốn ổi và xếp nhẹ nhàng vào giỏ. Sau đó rửa sạch và bảo quản ở nơi thoáng mát để giữ chất lượng của ổi được tốt nhất.
Để ổi trân châu ruột đỏ luôn tươi ngon và có độ giòn ngọt lâu ngày bạn nên để nguyên trái trong bọc xốp và cho vào ngăn mát tủ lạnh. Trước khi dùng mang ra rửa sạch, đảm bảo giữ được hương vị tuyệt vời nhất.
6. Mua giống cây ổi ruột đỏ chất lượng ở đâu?
Hiện nay, trên thị trường có nhiều địa điểm đăng bán ổi trân châu ruột đỏ. Tuy nhiên, bạn nên tìm mua ở những địa điểm vườn ươm uy tín lâu năm để có thể mua được đúng giống ổi ruột đỏ và có chất lượng cao.
Ổi ruột đỏ là thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao và vô cùng thơm ngon. Đặc biệt, giống ổi này còn dễ trồng và cho năng suất cao. Hy vọng, những thông tin về trồng và chăm sóc ổi trân châu ruột đỏ trong bài sẽ giúp bạn có vụ mùa bội thu. Và, đừng quên theo dõi Vinhfarm mỗi ngày để bỏ túi thêm nhiều kiến thức bổ ích khác nhé!